Bác Hồ như vầng dương tỏa sáng, thế hệ thanh thiếu niên Nhi đồng trên khắp năm châu luôn hướng về Bác với một niềm kính yêu vô bờ bến. Ngay cả đối với các cháu thiếu nhi quốc tế Bác cũng luôn dành cho những tình cảm đặc biệt.
Trong suốt hành trình đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân đến không biết bao nhiêu quốc gia, lãnh thổ. Bước chân của Người dừng nơi đâu đều để lại niềm thương yêu, trân trọng đặc biệt là đối với thiếu niên nhi đồng, thế hệ tương lai của đất nước.
Vào năm 1946, Cách mạng Việt Nam đang thời kỳ “nước sôi lửa bỏng”, giữa những lo toan bộn bề, Bác đặt chân đến Pháp tham dự hội nghị Phôngtennơblô, Bác vẫn được chào đón giữa muôn vàn đóa hoa của thiếu nhi Pháp.
Bác đã đặt chân đến rất nhiều Quốc gia, đi đến đâu Bác cũng được các cháu thiếu nhi chào đón. Sau mỗi lần tiếp xúc với các cháu thiếu nhi Quốc tế đều để lại trong lòng các cháu thiếu nhi một tình cảm sâu nặng về Bác.
Tình cảm của các cháu thiếu nhi Quốc tế không chỉ đơn thuần là tình cảm của một vị lãnh đạo của một nước mà đó là tình cảm của một người Ông dành cho các cháu, là tình cảm thiêng liêng của một gia đình mang đậm nét văn hóa Việt Nam.
Qua những câu chuyện cuộc sống hàng ngày chúng ta hiểu thêm được phần nào tấm lòng của Bác đối với các cháu thiếu nhi nói chung và thiếu nhi Việt Nam nói riêng.
Trong một lần đến thăm nước Tiệp Khắc. Bác Hồ tiếp đoàn thiếu nhi đến thăm, cháu nào cũng muốn được đứng cạnh Bác nên đã chen chúc, tranh giành nhau.
Để ổn định trật tự, Bác hỏi:
– Các cháu thấy Bác gầy hay mập?
Các cháu trả lời:
– Bác gầy lắm ạ.
Bác lại hỏi:
– Vậy các cháu có muốn Bác gầy không?
Các cháu đồng thanh trả lời:
– Không ạ
Bác nói tiếp: Vậy các cháu đừng chen nhau hôn Bác nữa. Hãy cử 1 đại biểu đến hôn Bác thôi.
Sau câu nói của Bác, tất cả các em thiếu nhi đều trật tự và cử bạn đội trưởng thay mặt tất cả đoàn đại biểu đến hôn Bác. Bác ôm hôn bạn đội trưởng và cảm ơn các bạn thiếu nhi Tiệp Khắc.
Vào năm 1946, Bác sang Pháp để đàm phán những vấn đề có liên quan đến vận mệnh đất nước. Thị trưởng thành phố Pari đã mở tiệc long trọng thiết đãi Bác Hồ. Khi về, Bác lấy trên bàn một quả táo bỏ túi, mọi người ai cũng ngạc nhiên trước cử chỉ ấy của Bác.
Ngoài cửa có rất nhiều bà con Việt Kiều và người Pháp đứng đón Bác. Trông thấy một bà mẹ bế trên tay một cháu bé, Bác tiến lại gần giơ tay bế và rút túi ra quả táo và đưa cho cháu bé. Người mẹ và những người đi cùng cảm động trước tấm lòng yêu trẻ của Bác Hồ.
Những câu chuyện về Bác với thiếu nhi được coi là di sản vô giá với dân tộc và thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Người luôn dành một tình cảm đặc biệt quan tâm đối với thế hệ tương lai của đất nước.
Trong những năm tháng cuối đời, Bác căn dặn toàn Đảng, toàn dân cần phải có trách nhiệm giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng, Người khẳng định trong Di chúc: “…Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Trải qua năm tháng, thời gian, những câu chuyện về Bác và các cháu thiếu nhi vẫn còn nguyên giá trị. Bác luôn dành cho thiếu nhi những tình cảm đặc biệt trìu mến, đó là sự ấm áp từ một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Có thể nói, tình yêu thương của Bác Hồ, những câu chuyện dành cho các cháu, đối với thanh thiếu niên, thế hệ trẻ sẽ mãi là hành trang tiếp bước cho thế hệ Việt Nam bước vào đời, xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp.
Câu hát vang lên:
“Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh
Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng
A! có Bác Hồ đời em được ấm no
Chúng em kính dâng ngàn đóa hoa lên Bác Hồ”
Còn nhiều và nhiều nữa những câu chuyện dành cho các cháu vô cùng giản dị, cảm động đến trào dâng nước mặt. Những câu chuyện mà mỗi lần tìm hiểu dường như là câu chuyện cổ tích.
Những câu chuyện về Bác đúng là câu chuyện cổ tích nhưng chỉ có điều nó không được viết theo kiểu “ngày xửa ngày xưa” mà là những câu chuyện cổ tích giữa đời thường, được viết dưới thời đại hôm nay – thời đại Hồ Chí Minh.